Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

Sớm hoàn thiện công nghệ xử lý rác thải trong nước


Ảnh minh họa.
Ngày 4/6, sau khi trực tiếp thăm quan, khảo sát quy trình hoạt động, vận hành của Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Sông Công công suất 50 tấn/ngày tại thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo cần sớm hoàn thiện công nghệ nhà máy xử lý, tái chế rác thải do doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh Bộ Xây dựng cần giao cho các tập đoàn lớn để hoàn thiện, phát triển công nghệ nhà máy xử lý rác thải theo hướng đảm bảo các điều kiện về môi trường, tạo ra các dây chuyền thiết bị chỉn chu, có tính thương mại cao.
Bộ Xây dựng cùng với chính quyền các tỉnh trong cả nước cần sớm hoàn thành quy hoạch xử lý rác thải, trong xây dựng quy hoạch cần quan tâm quy hoạch đến cả cấp huyện và xã. Các bộ, ngành khi xây dựng dự án về xử lý rác thải phải xây dựng dự án điểm, khuyến khích xã hội hóa, kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân xây dựng các nhà máy, cơ sở xử lý rác thải...
Phó Thủ tướng bày tỏ sự vui mừng trước những kết quả khả quan của việc phát triển công nghệ xử lý rác thải do chính các doanh nghiệp trong nước sản xuất, chế tạo như ở Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Sông Công.
Tuy công nghệ này đã có những thành công nhất định, được cả phía nước ngoài chấp nhận nhưng Phó Thủ tướng vẫn lưu ý các bộ, ngành chức năng cần tiếp tục đánh giá để hoàn thiện công nghệ.
Từ thành công mô hình Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Sông Công sử dụng hoàn toàn công nghệ trong nước, các bộ, ngành chức năng cũng xem xét, hạn chế nhập khẩu công nghệ xử lý nước thải, tái chế rác thải của nước ngoài...
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại các đô thị trong cử nước lên tới hơn 24.000 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom, xử lý trung bình đạt khoảng 83%, tỷ lệ thu hồi các thành phần có khả năng tái chế và sử dụng chỉ đạt khoảng 20-25%.
Việc xử lý chất thải rắn ở các địa phương chủ yếu đều sử dụng chôn lấp chất thải; hiện tại mỗi đô thị từ loại IV trở lên đều có ít nhất một bãi chôn lấp nhưng có tới hơn 80% bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Công nghệ này đòi hỏi phải tốn nhiều diện tích đất, không có khả năng thu hồi, tái chế sử dụng lại nguồn nguyên liệu từ rác thải và còn phải tốn rất nhiều chi phí cho việc xử lý nước rỉ ra từ rác...
Khắc phục những bất cập này, bước đầu, cả nước đã xây dựng được 20 cơ sở xử lý rác với tổng công suất xử lý khoảng 17.000 tấn/ngày. Ngoài ra còn có 15 cơ sở khác ở các đô thị lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng... đang triển khai xây dựng.
Các cơ sở xử lý rác thải chủ yếu sử dụng công nghệ chế biến rác thành phân compost và một số sản phẩm phụ (ống nhựa, túi đựng) song công nghệ này hiện đang gặp phải vấn đề lớn đó là các sản phẩm phân vi sinh tiêu thụ rất khó khăn, tỷ lệ rác sau xử lý cần phải chôn lấp vẫn còn cao.
Do vậy, mô hình công nghệ chế biến rác thành viên nhiên liệu như ở Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Sông Công được đánh giá là công nghệ có tính khả thi cao, cần triển khai nhân rộng.
Đây là nhà máy xử lý rác thải đầu tiên trong cả nước công nghệ cơ sinh học (MBT - CD.08) do doanh nghiệp trong nước tự sản xuất, chế tạo, xử lý triệt để rác thải, tự động phân loại và thu hồi các phế thải nhằm tái chế thành sản phẩm nhiên liệu cho các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề... với tổng kinh phí đầu tư khoảng 40 tỷ đồng, trong đó có một phần vốn tài trợ của Chính phủ Đan Mạch.
Được biết, trong giai đoạn 2011-2015 nhu cầu xử lý chất thải rắn của cả nước vào khoảng 36.000 tấn/ngày và nhu cầu vốn đầu tư để xử lý chất thải cũng cần khoảng 29.000 tỷ đồng./.

Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

Xử lý nước ô nhiễm bằng vi sinh vật


Phòng vi sinh vật môi trường - Viện Công nghệ Môi trường (Viện KH-CN Việt Nam) đã tiến hành phân lập và tuyển chọn được 30 chủng xạ khuẩn và 20 chủng vi khuẩn ưa nhiệt, có ưu điểm là có tác dụng phân hủy mạnh các chất hữu cơ trong nước thải.

Tất cả các chủng vi sinh vật tuyển chọn dùng để sản xuất các chế phẩm vi sinh vật đều đã được nghiên cứu kỹ các đặc điểm sinh học để khẳng định chúng không độc hại cho con người, vật nuôi và môi trường. Chế phẩm đã được sử dụng kết hợp với thực vật thủy sinh (bèo Nhật Bản) để loại bỏ nitơ và photpho trong nước, phân hủy các chất hữu cơ.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành xử lý ô nhiễm nguồn nước tại làng nghề tái chế nhựa Đông Mẫu, xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc). Sau 1 tháng xử lý nước ao từ loại bị ô nhiễm nặng đã đạt nước mặt loại B (theo QCVN 08:2008/BTNMT).
Chế phẩm vi sinh còn được áp dụng để xử lý nước thải chăn nuôi và nước thải làm bún, bánh đa tại các rãnh thoát nước tại xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc đều cho kết quả xu ly nuoc thai rất tốt, về cảm quan giảm được mùi hôi thối, các chỉ tiêu ô nhiễm như COD, BOD, vi sinh vật gây bệnh giảm được 5- 6 lần so với khi không sử dụng chế phẩm.

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Xử lý nước thải: Hà Nội có còn đẹp nếu thiếu cây xanh?

Xử lý nước thải: Hà Nội có còn đẹp nếu thiếu cây xanh?: "Chỉ trong ít ngày trung tuần tháng 5, trên một số tuyến phố nội thành Thủ đô liên tiếp bị mất trộm nhiều cây xanh quý. Nếu như ba cây sưa ở ..."

Hà Nội có còn đẹp nếu thiếu cây xanh?

Chỉ trong ít ngày trung tuần tháng 5, trên một số tuyến phố nội thành Thủ đô liên tiếp bị mất trộm nhiều cây xanh quý. Nếu như ba cây sưa ở các phố Tôn Thất Tùng, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Huyên bị bọn trộm "tranh thủ" đêm mưa gió cưa lấy gỗ, thì hai cây long não trồng trước vỉa hè số nhà 35 phố Ðiện Biên Phủ bị "biến mất" một cách đặc biệt hơn.

Chỉ qua một đêm, hai cây long não đã được Công ty Công viên cây xanh Hà Nội đánh số quản lý, bỗng được 'phù phép' thành... hai cây sung. Thủ phạm của vụ việc cũng được xác định rõ, đó là Viện Nghiên cứu công
nghệ và phát triển Sena.

Sau vụ đốn hạ không thương tiếc cây đa trăm tuổi ở khu vực chợ 19-12 xảy ra năm trước, gây xôn xao dư luận, cho đến nay cây xanh Hà Nội vẫn đang ở trong tình trạng báo động đỏ. Bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu, cây xanh cũng có thể bị triệt hạ. Những vụ trộm cây sưa trước đây đã được công an và các ngành chức năng vào cuộc quyết liệt. Thủ phạm thường là những kẻ thất học, mắc các tệ nạn xã hội. Nhưng còn vụ 'đổi' cây thì sao? Những người chủ trương biến cây long não thành cây sung đều là những người có trình độ học vấn cao. Phải chăng những người này nhổ long não để trồng sung là do quan niệm lệch lạc rằng trồng sung sẽ được... sung túc? Nếu ai cũng có suy nghĩ như vậy thì Hà Nội sẽ chẳng còn những tuyến phố đẹp, thơ mộng gắn liền với mỗi loài cây đặc trưng.

Trong các vụ việc này, yếu tố cố tình phá hoại rất rõ ràng. Song, ngay cả những vụ bỗng dưng cây đổ, đe dọa tính mạng, tài sản của mọi người, một phần cũng do sự vô ý thức của người dân gây ra. Trong vài năm qua, khi việc cải tạo hạ tầng kỹ thuật trên các tuyến phố được đẩy mạnh, thì những vụ bỗng dưng cây đổ xuất hiện ngày càng nhiều. Tại sao những cây đứng vững bao nhiêu năm trời lại dễ dàng bị đổ, phơi rễ lên trời, mặc dù trước mỗi mùa mưa bão, công nhân Công ty Công viên cây xanh đã rà soát, tỉa cành để tránh nguy hiểm? Một trong những nguyên nhân là 'bệnh' đào đường. Vỉa hè các tuyến phố trung tâm thành phố trong những năm gần đây bị đào, xới liên tục để thi công, lắp đặt các dự án công trình ngầm, nổi. Cứ nhìn việc lấp lại đường phố, vỉa hè một cách tạm bợ thì hiểu thêm rằng, cây xanh đã bị 'coi rẻ' thế nào. Nhiều cây chỉ còn lại gốc, còn rễ thì đã bị cắt, chặt, vì vậy chỉ cần cơn gió mạnh thổi qua là cây đổ. Chưa kể đến việc nhiều gia đình vì muốn vỉa hè thông thoáng để kinh doanh, tìm mọi cách triệt hạ cây cối theo phương thức đổ nước nóng, hóa chất vào rễ cây..., làm cho cây bị chết dần, chết mòn. Không hiếm trường hợp phá hoại như thế đã bị xử lý bởi các cơ
quan pháp luật.

Hà Nội đang phấn đấu trở thành thành phố xanh- sạch- đẹp. Nhưng ở những khu chung cư mới, cây xanh lọt thỏm giữa 'rừng' bê-tông. Còn ở những khu phố cổ, phố cũ, cây xanh đang mất dần. Nguyên nhân do tuổi thọ cao, cây bị sâu, mục dẫn đến đổ thì ít, mà do con người tác động thì nhiều. Cây xanh là lá phổi của thành phố, tạo nên nét duyên dáng của Hà Nội. Giữ gìn cây xanh bằng việc bắt kẻ chặt trộm cây chỉ là vấn đề trước mắt. Giữ cây bằng việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi ngành, mỗi người mới là giải pháp lâu dài.

Những nguyên lí của Thực tại: 1. Nguyên lí 1+1>2

Nhân ngày Rừng Toàn cầu, xóm Sườn Đồi tổ chức Hội thảo Quốc tế với chủ đề “Những nguyên lí của thực tại – Cơ sở của Bảo tồn Thiên nhiên”. Ban tổ chức tập hợp được 10 tham luận về 10 nguyên lí cơ bản của Thực tại nhưng vì không có kinh phí in kỷ yếu nên các bản tham luận được gửi đăng dần vào mục Tản mạn Môi trường trên trang web vacne.org.vn. Tham luận số 1 của Thiền sư Đa Yên Tử có cái tên rất lạ: 1+1>2. Xin trân trọng giới thiệu cùng Quý Bạn đọc.
Dr. Cà Xáy, VACNE (Thư kí Hội thảo)
Kính thưa Quý vị
1.Lão nạp sống trong khuôn viên Trúc Lâm Thiền viện Yên Tử, là nơi vua Trần Nhân Tông tu hành trước khi lên núi Yên Tử. Tương truyền lão nạp sinh từ thời đó, đến nay đã trên 700 năm rồi. Có điều Quý vị không nên gọi lão nạp đơn giản là đa, vì trong gốc của lão nạp còn có một cây Lão Thị trước cả lão nạp. Khi cây Thị này đã xanh tốt, chim trời (có lẽ theo lệnh Đức Phật) đến thả một hạt đa lên cành, từ đó mọc ra lão nạp. Có người nói rằng sinh thời, Phật Hoàng Trần Nhân Tông vẫn ngồi tham Thiền dưới gốc lão nạp, và nhờ Cơ duyên Diệu hữu mà Ngài đã sáng tạo ra Thiền phái Trúc Lâm. Đến nay lão Thị trong lòng lão nạp vẫn xanh tốt, hàng năm vẫn đơm hoa kết trái. Tốt nhất nên gọi lão nạp là Đa – Thị hay Thị - Đa. Bởi lẽ không có Thị chẳng có Đa và không có Đa chắc gì đã còn Thị?
2.Nhưng vấn đề lão nạp muốn tham luận ở đây là: cái tổ hợp Đa – Thị này lại nói lên một điều khác hơn chỉ là sự sống chung đơn thuần.
Vâng thưa Quý vị, khi đến chiêm ngắm lão nạp, một nhà khoa học gọi lão nạp là cây đa “bóp cổ”, ý nói lão nạp mọc đè và bóp cổ chết cây thị như rất nhiều cây đa khác. Khoa học gia này còn giải thích cho đám học trò những vấn đề về cây kí sinh (cây đa) và vật chủ (cây thị), về nguyên tắc cạnh tranh sinh tồn,…
Một nhóm nhà cảm xạ lại cho rằng mảnh đất lão nạp mọc là nơi tập trung năng lượng vũ trụ, là mảnh đất có lợi cho sức khỏe và tu tập nên có hai lão thụ mọc tranh ăn với nhau mà vẫn sống nhăn răng (ý nói là nhăn …lá), lại còn to lớn kềnh càng nữa ! Họ còn khuyên ai muốn tu thiền hay muốn khỏe mạnh thì cứ tọa thiền dưới gốc lão nạp (?).
Một hướng dẫn viên du lịch giới thiệu với du khách rằng đây là Song Đại thụ hiếm có của vùng Thánh địa Yên tử, là sự phản ánh “truyền thống đoàn kết tương thân tương ái của các loài cây cũng như con người Việt Nam” (lão nạp ghi nguyên văn câu thuyết minh của vị hướng dẫn viên nọ, mong quý vị thông cảm là không ít hướng dẫn viên du lịch nói rất hay những điều họ không mấy khi hiểu là gì)
Một quan chức VACNE tuyên bố rằng sớm hay muộn cặp song lão thụ này cũng sẽ được VACNE ưu tiên vinh phong là cây di sản Việt Nam vì chỉ cần phong 1 lần mà được cả 2 cây, nếu mỗi cây mọc một nơi thì phải vinh danh hai lần, sẽ tốn kém lắm vì VACNE là tổ chức phi lợi nhuận, đâu có nhiều tiền (!) Vốn là một nhà sinh thái học, vị quan chức VACNE nọ còn quả quyết “Có lẽ 2 cây đa –thị này phải sống dựa vào nhau theo kiểu cộng sinh chăng, đa ăn chất này, thị ăn chất kia. Đa bảo vệ thị khỏi gió bão, thị chăm sóc đa bằng vẻ …dịu dàng của mình”. Lão nạp chẳng thể hiểu được nhà sinh thái học nọ nghiên cứu đến đâu về “vẻ dịu dàng” của cây thị. Nghe nói người Việt chuyên đặt tên phụ nữ là Thị này Thị nọ nên ông ta cho rằng lão Thị tất nhiên phải là phái nữ, tất nhiên phải dịu dàng (?) .
3. Còn lắm chuyện không thể kể hết được. Nhưng vấn đề là ở chỗ những chuyện ấy phản ảnh những tính chất, những chức năng, có thể lí giải hay chưa / không / lí giải được bằng khoa học hiện nay, chỉ có được khi lão nạp và lão thị chung sống cùng một gốc. Những tính chất xuất hiện do tương tác giữa các yếu tố cấu thành một hệ thống được các khoa học gia gọi là “tính trồi” nghĩa là hệ thống thì có các tính chất này nọ, nhưng từng yếu tố riêng lẻ của hệ thống đó lại không có. Cũng như cái đồng hồ có chức năng chỉ giờ, nhưng tất cả chi tiết tạo ra cái đồng hồ lại không hề có chức năng đó. Hay nước (H2O) có tính chất rất đa dạng của một chất quyết định sự sống trên trái đất, nhưng các nguyên tố Oxy (O2) và Hydro (H2) tạo ra phân tử nước lại không hề có tính chất của nước.
Lão nạp và lão Thị ngoài tính chất của đa và thị, còn có tính chất chung của một hệ thống, lão nạp gọi là “chúng mình”, mà Quý vị đã nghe tranh luận ở mục 2 trên đây. Hơn 700 năm chung sống cùng một chỗ như thể là cùng một gốc, lão nạp và lão Thị không bao giờ cãi nhau cả, vì lão nạp thắng thì chúng mình cùng thắng, lão nạp thua thì chúng mình cùng thua. Mong các cặp vợ chồng khi chung sống với nhau cần áp dụng nguyên lí “tính trồi” này để giữ yên gia thất. Nếu hai vợ chồng chia tay, cả hai vẫn sống nhăn răng nhưng gia đình (cái gọi là chúng mình) không còn, con cái sẽ bơ vơ.
4.Mở rộng những điều trên, một hệ thống không chỉ có 2 yếu tố như lão nạp và lão Thị, hay như nguyên tử Hydro và Oxy, mà có thể có rất nhiều yếu tố, rất đa dạng và phức tạp, ví dụ như một hệ sinh thái chẳng hạn. Mọi loài trong hệ sinh thái đều có vai trò, đều tương tác với nhau theo những cách thức mà con người chưa thể hiểu hết. Thêm một vài loài lạ theo kiểu các vị kiểm lâm phóng thích thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng động vật hoang dã vào rừng sau khi bắt được một vụ buôn lậu; bớt đi dăm bảy loài mà con người chặt phá hay săn bắt, đều tạo ra hệ thống mới có tính chất và chức năng mới, nhiều khi không giống như hệ thống ban đầu. Hệ thống mới có thể gây hại cho con người ngoài sự tính toán của họ. Vì tính trồi không phải bao giờ cũng có ích cho con người.
Vì vậy mọi tác động vào hệ sinh thái nguyên sơ ban đầu do ông Trời sinh ra, đối với con người, đều là sự đánh đổi vì riêng lợi ích của con người, hay tệ hại hơn, vì lợi ích của một nhóm người. Nếu như sự đánh đổi này là buộc phải làm vì lợi ích của cả cộng đồng thì còn có thể hiểu và chấp nhận được, vì cộng đồng sẵn sàng trả giá cho sự đánh đổi đó. Trên thế giới đã từng có hàng loạt nền văn minh bị hủy hoại chỉ vì lí do khủng hoảng sinh thái. Con người tự coi mình là trung tâm thế giới, muốn làm gì thì làm, vì “khoa học và công nghệ có thể giải quyết tất cả”. Nhưng danh vị đó là do họ tự phong chứ các loài khác đâu có phong cho họ !
Vì vậy lão nạp tạm gọi nguyên lí này là nguyên lí 1+1>2, hay còn gọi là “nguyên lí tính trồi”. Chúng ta vẫn hưởng thụ hay chịu tác động xấu từ tính trồi của các kiểu hệ thống (thực tại chỉ toàn là các hệ thống mà thôi) nhưng khi suy xét vấn đề lại thường chỉ chú ý vào các yếu tố cấu trúc riêng lẻ của hệ thống. Đó là cái chết của loài người đã được báo trước.
Xin cảm ơn Quý vị
Thiền sư Đa Yên Tử

Tại thôn Yên Thái (xã Tiền Yên, Hoài Đức): Một doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng

Thời gian gần đây, dư luận rất bức xúc trước hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Hòa Hợp (Công ty Hòa Hợp), trụ sở tại Điểm CN làng nghề Đắc Sở (Hoài Đức) gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng trăm hộ dân thôn Yên Thái, xã Tiền Yên gần đó
 
Tháng 4-2009, UBND TP đã ra Quyết định số 1525 xử phạt hành chính về bảo vệ môi trường, nhưng đến nay đã qua 25 tháng kể từ ngày quyết định có hiệu lực, Công ty Hòa Hợp vẫn chưa nghiêm túc thực hiện, gây bức xúc trong nhân dân.

Trưởng thôn Yên Thái Tạ Đăng Phong cho biết, từ tháng 9-2008, nhà máy bắt đầu chạy thử dây chuyền sản xuất bột giặt (công suất 10.000 tấn/năm) trong thôn liên tục xuất hiện một mùi lạ khó chịu và tiếng ồn lớn khiến người dân nôn nao, chóng mặt. Mặc dù khi vận hành, Công ty Hòa Hợp đã gặp phải phản ứng gay gắt của nhân dân thôn Yên Thái nhưng sự việc đâu lại vào đấy.

Nhưng làm việc với PV Hànộimới, Giám đốc Công ty Đỗ Trung Hòa lại khẳng định "không" gây ô nhiễm. Đến khi PV đưa ra dẫn chứng việc Công ty Hòa Hợp gây ô nhiễm môi trường, ông Hòa mới thừa nhận. Tuy nhiên, ông Hòa giải thích, thời điểm gây ô nhiễm môi trường khi chạy thử dây chuyền (cuối năm 2008, đầu năm 2009), từ giữa năm 2009 đến nay hoạt động sản xuất của công ty không gây ô nhiễm môi trường. Trái với ý kiến ông Hòa, Chủ tịch UBND xã Tiền Yên Đinh Thế Khải cho rằng, quan điểm trên không đúng với thực tế vì rất nhiều người dân đã bị hoa mắt, chóng mặt khi dây chuyền hoạt động. Hơn nữa, theo Quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT ngày 10-10-2002 của Bộ Y tế về việc ban hành 21 tiêu chuẩn vệ sinh lao động thì đối với việc sản xuất xà phòng công suất trên 2 nghìn tấn/năm phải cách xa khu dân cư tối thiểu 500m. Nhà máy sản xuất bột giặt và hóa mỹ phẩm số 1 thuộc Công ty Hòa Hợp sản xuất với công suất 10.000 tấn/năm nhưng chỉ cách khu dân cư chưa đầy chục mét.

Xung quanh vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, việc chậm trễ trong xử lý của các cơ quan chức năng một phần do việc giám sát thực hiện quyết định xử phạt của Sở TN&MT gặp khó khăn. Mỗi khi Sở TN&MT kiểm tra Công ty Hòa Hợp đều không hoạt động nên không kiểm tra được gì, vì vậy phải chờ khi cơ quan công an vào cuộc bắt quả tang Sở TN&MT mới có căn cứ để xử lý.

Trong thời gian bị buộc đình chỉ hoạt động để thực hiện các biện pháp khắc phục về bảo vệ môi trường, Công ty Hòa Hợp đã nhiều lần cho dây chuyền sản xuất bột giặt công suất 10.000 tấn/năm hoạt động (theo tổng hợp của xã Tiền Yên, từ khi có quyết định xử phạt hành chính đến ngày 4-3-2011, Công ty Hòa Hợp vận hành dây chuyền sản xuất bột giặt 91 ngày với 94 lần vi phạm). Ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết thêm, giải pháp tối ưu nhất là di chuyển dây chuyền sản xuất bột giặt ra khỏi khu dân cư hoặc doanh nghiệp phải tổ chức lại sản xuất đúng với mục tiêu, quy mô của dự án đã được phê duyệt ban đầu, đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Xử lý nước thải: Hà Nội: Đẩy mạnh quản lý bảo vệ môi trường

Xử lý nước thải: Hà Nội: Đẩy mạnh quản lý bảo vệ môi trường: " Hướng tới một môi trường xanh - sạch - đẹp bền vững, thời gian qua thành phố Hà Nội tích cực đẩy mạnh quản lý Nhà nướ..."

Hà Nội: Đẩy mạnh quản lý bảo vệ môi trường

 
Hướng tới một môi trường xanh - sạch - đẹp bền vững, thời gian qua thành phố Hà Nội tích cực đẩy mạnh quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.
 
Theo đó, bộ máy quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường đã được hoàn thiện từ thành phố đến các cơ sở. Đến nay, 100% quận, huyện, xã, phường trên địa bàn đều có cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường. Sở TN&MT đã rà soát, hoàn chỉnh và triển khai có hiệu quả những văn bản qui phạm pháp luật, các qui định về bảo vệ môi trường. Các dự án xử lý ô nhiễm sông, hồ, rác thải, nước thải, bụi từ các khu công nghiệp tập trung, làng nghề, khu dân cư, bệnh viện được thành phố đầu tư đúng mức, kịp thời đã phát huy tác dụng. Đồng thời, Sở cũng cùng các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.
Đến nay, các ngành chức năng đã xử lý dứt điểm 24/25 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; cải tạo, nạo vét, kè, xử lý ô nhiễm nước 12 hồ nội thành; vận động 10.000 hộ gia đình sinh sống ở đầu nguồn sông Tô Lịch sử dụng chế phẩm sinh học làm sạch nước thải trước khi đổ ra sông; 100 xã, phường, thị trấn đều thành lập các tổ thu gom rác. Mỗi ngày, các tổ đã thu gom, vận chuyển 5.000 tấn rác thải/ngày đến nơi qui định…Nhằm duy trì môi trường xanh - sạch - đẹp bền vững, thành phố tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành chức năng, đặc biệt là Sở TN&MT đẩy mạnh thực hiện “Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy đến năm 2020”; triển khai các giải pháp cải tạo cảnh quan và xử lý ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch; xử lý ô nhiễm 4 hồ nội thành trong năm 2011 nâng tổng số hồ đã xử lý lên 16 hồ; đẩy nhanh tiến  độ xây dựng nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ tiên tiến, công suất 2.000 tấn rác/ngày…; thực hiện Luật Đa dạng sinh học và các Chương trình Mục tiêu quốc gia về bảo vệ môi trường, Chương trình Mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố.

Hoàn thiện chính sách xử lý cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng


Ngày 21/5, tại Hải Phòng, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện 02 dự thảo: Thông tư về hướng dẫn phân loại và quyết định danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) cần phải xử lý; Thông tư liên tịch về hỗ trợ có mục tiêu kinh phí nhằm xử lý ÔNMT cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích.

Phó Tổng cục trưởng TS. Hoàng Dương Tùng đã tham dự và chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có Lãnh đạo và đại diện một số đơn vị trực thuộc Tổng cục Môi trường: Văn phòng Tổng cục, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ; Vụ Kế hoạch Tài chính,…và Lãnh đạo cùng đại diện sở TN&MT các tỉnh: Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng,…
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Hoàng Dương Tùng nói: Đây là Hội thảo có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và để thực hiện ý kiến kết luận chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc xây dựng kế hoạchxử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong giai đoạn 2011-2020.
Dự thảo sửa đổi Thông tư về hướng dẫn phân loại và quyết định danh mục cơ sở gây ÔNMT
Sau gần 04 năm triển khai thực hiện, Thông tư số 07/2007/TT-BTNMT ngày 03/7/2007 của Bộ TN&MT về hướng dẫn phân loại và quyết định danh mục cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng cần phải xử lý đã có đóng góp nhất định trong công tác xử lý triệt để cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng.
Theo báo cáo của các địa phương, đã có 544 cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng được rà soát, bổ sung theo Thông tư 07, trong số này, đã có 232 cơ sở hoàn thành xử lý, chiếm 42,6%. Tuy nhiên, cùng với quy định mới về bảo vệ môi trường được chỉnh sửa, bổ sung, Thông tư đã bộc lộ những tồn tại, bất cập, cần sớm được sửa đổi về các vấn đề như: Căn cứ phân loại, tiêu chí phân loại, trình tự phân loại và quyết định danh mục,...
Trước yêu cầu đó, Tổng cục Môi trường đã có văn bản gửi Sở TN&MT các tỉnh, thành phố báo cáo về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Thông tư  trong thời gian, từ đó tổng hợp, làm cơ sở đưa các hướng sửa đổi cho phù hợp với các quy định mới về bảo vệ môi trường cũng thực tiễn triển khai của các địa phương.

Các đại biểu phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, đại diện Văn phòng 64 đã trình bày về những bất cập, hạn chế của Thông tư, những quan điểm lớn cũng như những định hướng xây dựng Thông tư mới, đặc biệt là các phương án đưa ra tiêu chí phân loại cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng cần phải xử lý.
Các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về những đề xuất mới trong dự thảo Thông tư sửa đổi, đặc biệt tập trung vào tính khả thi trong triển khai thực hiện nhằm đảm bảo cho các quy định mới này phải được đi ngay vào cuộc sống.
Hoàn thiện Thông tư liên tịch về hỗ trợ có mục tiêu kinh phí nhằm xử lý ÔNMT cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích
Cũng trong chương trình Hội thảo, các đại biểu đã được nghe trình bày dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg ngày 29/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

Toàn cảnh Hội thảo

Để góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn, Bộ TN&MT đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg ngày 29/4/2008 về việc hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách nhà nước nhằm xử lý triệt để, khắc phục ô nhiễm và giảm thiểu suy thoái môi trường cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích.
Trong đó, quy định rõ cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với 05 đối tượng thuộc khu vực công ích để khắc phục ÔNMT, bao gồm: kho thuốc bảo vệ thực vật, bệnh viện, bãi rác, điểm tồn lưu chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh, trạm xử lý nước thải sinh hoạt đô thị.
Qua 3 năm triển khai, nhìn chung, nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đã được sử dụng có hiệu quả, góp phần đáng kể thúc đẩy tiến độ xử lý các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng thuộc khu vực công ích, hạn chế tình trạng gây ÔNMT.
Tuy nhiên, từ thực tế phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí cho các dự án này cũng cho thấy nhiều vấn đề bất cập nảy sinh như: chậm triển khai dự án xử lý sau khi đã được phân bổ vốn, tự ý thay đổi quy mô dự án, công nghệ xử lý so với hồ sơ xin hỗ trợ kinh phí; thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng kinh phí đối với các dự án.
Trước thực trạng này, ba Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư đã thống nhất xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch để hướng dẫn thực hiện Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg nhằm nhanh chóng khắc phục những tồn tại nói trên.
Dự thảo Thông tư liên tịch đã được Tổng cục Môi trường đưa ra lấy ý kiến tại một số hội thảo và các cuộc họp chuyên gia, Tổ soạn thảo, đặc biệt đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến tại các Sở Tài nguyên và Môi trường khu vực miền Trung -Tây Nguyên và khu vực Nam bộ./.