Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

Sớm hoàn thiện công nghệ xử lý rác thải trong nước


Ảnh minh họa.
Ngày 4/6, sau khi trực tiếp thăm quan, khảo sát quy trình hoạt động, vận hành của Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Sông Công công suất 50 tấn/ngày tại thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo cần sớm hoàn thiện công nghệ nhà máy xử lý, tái chế rác thải do doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh Bộ Xây dựng cần giao cho các tập đoàn lớn để hoàn thiện, phát triển công nghệ nhà máy xử lý rác thải theo hướng đảm bảo các điều kiện về môi trường, tạo ra các dây chuyền thiết bị chỉn chu, có tính thương mại cao.
Bộ Xây dựng cùng với chính quyền các tỉnh trong cả nước cần sớm hoàn thành quy hoạch xử lý rác thải, trong xây dựng quy hoạch cần quan tâm quy hoạch đến cả cấp huyện và xã. Các bộ, ngành khi xây dựng dự án về xử lý rác thải phải xây dựng dự án điểm, khuyến khích xã hội hóa, kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân xây dựng các nhà máy, cơ sở xử lý rác thải...
Phó Thủ tướng bày tỏ sự vui mừng trước những kết quả khả quan của việc phát triển công nghệ xử lý rác thải do chính các doanh nghiệp trong nước sản xuất, chế tạo như ở Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Sông Công.
Tuy công nghệ này đã có những thành công nhất định, được cả phía nước ngoài chấp nhận nhưng Phó Thủ tướng vẫn lưu ý các bộ, ngành chức năng cần tiếp tục đánh giá để hoàn thiện công nghệ.
Từ thành công mô hình Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Sông Công sử dụng hoàn toàn công nghệ trong nước, các bộ, ngành chức năng cũng xem xét, hạn chế nhập khẩu công nghệ xử lý nước thải, tái chế rác thải của nước ngoài...
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại các đô thị trong cử nước lên tới hơn 24.000 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom, xử lý trung bình đạt khoảng 83%, tỷ lệ thu hồi các thành phần có khả năng tái chế và sử dụng chỉ đạt khoảng 20-25%.
Việc xử lý chất thải rắn ở các địa phương chủ yếu đều sử dụng chôn lấp chất thải; hiện tại mỗi đô thị từ loại IV trở lên đều có ít nhất một bãi chôn lấp nhưng có tới hơn 80% bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Công nghệ này đòi hỏi phải tốn nhiều diện tích đất, không có khả năng thu hồi, tái chế sử dụng lại nguồn nguyên liệu từ rác thải và còn phải tốn rất nhiều chi phí cho việc xử lý nước rỉ ra từ rác...
Khắc phục những bất cập này, bước đầu, cả nước đã xây dựng được 20 cơ sở xử lý rác với tổng công suất xử lý khoảng 17.000 tấn/ngày. Ngoài ra còn có 15 cơ sở khác ở các đô thị lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng... đang triển khai xây dựng.
Các cơ sở xử lý rác thải chủ yếu sử dụng công nghệ chế biến rác thành phân compost và một số sản phẩm phụ (ống nhựa, túi đựng) song công nghệ này hiện đang gặp phải vấn đề lớn đó là các sản phẩm phân vi sinh tiêu thụ rất khó khăn, tỷ lệ rác sau xử lý cần phải chôn lấp vẫn còn cao.
Do vậy, mô hình công nghệ chế biến rác thành viên nhiên liệu như ở Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Sông Công được đánh giá là công nghệ có tính khả thi cao, cần triển khai nhân rộng.
Đây là nhà máy xử lý rác thải đầu tiên trong cả nước công nghệ cơ sinh học (MBT - CD.08) do doanh nghiệp trong nước tự sản xuất, chế tạo, xử lý triệt để rác thải, tự động phân loại và thu hồi các phế thải nhằm tái chế thành sản phẩm nhiên liệu cho các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề... với tổng kinh phí đầu tư khoảng 40 tỷ đồng, trong đó có một phần vốn tài trợ của Chính phủ Đan Mạch.
Được biết, trong giai đoạn 2011-2015 nhu cầu xử lý chất thải rắn của cả nước vào khoảng 36.000 tấn/ngày và nhu cầu vốn đầu tư để xử lý chất thải cũng cần khoảng 29.000 tỷ đồng./.

Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

Xử lý nước ô nhiễm bằng vi sinh vật


Phòng vi sinh vật môi trường - Viện Công nghệ Môi trường (Viện KH-CN Việt Nam) đã tiến hành phân lập và tuyển chọn được 30 chủng xạ khuẩn và 20 chủng vi khuẩn ưa nhiệt, có ưu điểm là có tác dụng phân hủy mạnh các chất hữu cơ trong nước thải.

Tất cả các chủng vi sinh vật tuyển chọn dùng để sản xuất các chế phẩm vi sinh vật đều đã được nghiên cứu kỹ các đặc điểm sinh học để khẳng định chúng không độc hại cho con người, vật nuôi và môi trường. Chế phẩm đã được sử dụng kết hợp với thực vật thủy sinh (bèo Nhật Bản) để loại bỏ nitơ và photpho trong nước, phân hủy các chất hữu cơ.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành xử lý ô nhiễm nguồn nước tại làng nghề tái chế nhựa Đông Mẫu, xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc). Sau 1 tháng xử lý nước ao từ loại bị ô nhiễm nặng đã đạt nước mặt loại B (theo QCVN 08:2008/BTNMT).
Chế phẩm vi sinh còn được áp dụng để xử lý nước thải chăn nuôi và nước thải làm bún, bánh đa tại các rãnh thoát nước tại xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc đều cho kết quả xu ly nuoc thai rất tốt, về cảm quan giảm được mùi hôi thối, các chỉ tiêu ô nhiễm như COD, BOD, vi sinh vật gây bệnh giảm được 5- 6 lần so với khi không sử dụng chế phẩm.