Ngày 21/5, tại Hải Phòng, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện 02 dự thảo: Thông tư về hướng dẫn phân loại và quyết định danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) cần phải xử lý; Thông tư liên tịch về hỗ trợ có mục tiêu kinh phí nhằm xử lý ÔNMT cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích.
Phó Tổng cục trưởng TS. Hoàng Dương Tùng đã tham dự và chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có Lãnh đạo và đại diện một số đơn vị trực thuộc Tổng cục Môi trường: Văn phòng Tổng cục, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ; Vụ Kế hoạch Tài chính,…và Lãnh đạo cùng đại diện sở TN&MT các tỉnh: Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng,…
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Hoàng Dương Tùng nói: Đây là Hội thảo có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và để thực hiện ý kiến kết luận chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc xây dựng kế hoạchxử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong giai đoạn 2011-2020.
Dự thảo sửa đổi Thông tư về hướng dẫn phân loại và quyết định danh mục cơ sở gây ÔNMT
Sau gần 04 năm triển khai thực hiện, Thông tư số 07/2007/TT-BTNMT ngày 03/7/2007 của Bộ TN&MT về hướng dẫn phân loại và quyết định danh mục cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng cần phải xử lý đã có đóng góp nhất định trong công tác xử lý triệt để cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng.
Theo báo cáo của các địa phương, đã có 544 cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng được rà soát, bổ sung theo Thông tư 07, trong số này, đã có 232 cơ sở hoàn thành xử lý, chiếm 42,6%. Tuy nhiên, cùng với quy định mới về bảo vệ môi trường được chỉnh sửa, bổ sung, Thông tư đã bộc lộ những tồn tại, bất cập, cần sớm được sửa đổi về các vấn đề như: Căn cứ phân loại, tiêu chí phân loại, trình tự phân loại và quyết định danh mục,...
Trước yêu cầu đó, Tổng cục Môi trường đã có văn bản gửi Sở TN&MT các tỉnh, thành phố báo cáo về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Thông tư trong thời gian, từ đó tổng hợp, làm cơ sở đưa các hướng sửa đổi cho phù hợp với các quy định mới về bảo vệ môi trường cũng thực tiễn triển khai của các địa phương.
Các đại biểu phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, đại diện Văn phòng 64 đã trình bày về những bất cập, hạn chế của Thông tư, những quan điểm lớn cũng như những định hướng xây dựng Thông tư mới, đặc biệt là các phương án đưa ra tiêu chí phân loại cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng cần phải xử lý.
Các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về những đề xuất mới trong dự thảo Thông tư sửa đổi, đặc biệt tập trung vào tính khả thi trong triển khai thực hiện nhằm đảm bảo cho các quy định mới này phải được đi ngay vào cuộc sống.
Hoàn thiện Thông tư liên tịch về hỗ trợ có mục tiêu kinh phí nhằm xử lý ÔNMT cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích
Cũng trong chương trình Hội thảo, các đại biểu đã được nghe trình bày dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg ngày 29/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
Toàn cảnh Hội thảo
Để góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn, Bộ TN&MT đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg ngày 29/4/2008 về việc hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách nhà nước nhằm xử lý triệt để, khắc phục ô nhiễm và giảm thiểu suy thoái môi trường cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích.
Trong đó, quy định rõ cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với 05 đối tượng thuộc khu vực công ích để khắc phục ÔNMT, bao gồm: kho thuốc bảo vệ thực vật, bệnh viện, bãi rác, điểm tồn lưu chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh, trạm xử lý nước thải sinh hoạt đô thị.
Qua 3 năm triển khai, nhìn chung, nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đã được sử dụng có hiệu quả, góp phần đáng kể thúc đẩy tiến độ xử lý các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng thuộc khu vực công ích, hạn chế tình trạng gây ÔNMT.
Tuy nhiên, từ thực tế phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí cho các dự án này cũng cho thấy nhiều vấn đề bất cập nảy sinh như: chậm triển khai dự án xử lý sau khi đã được phân bổ vốn, tự ý thay đổi quy mô dự án, công nghệ xử lý so với hồ sơ xin hỗ trợ kinh phí; thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng kinh phí đối với các dự án.
Trước thực trạng này, ba Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư đã thống nhất xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch để hướng dẫn thực hiện Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg nhằm nhanh chóng khắc phục những tồn tại nói trên.
Dự thảo Thông tư liên tịch đã được Tổng cục Môi trường đưa ra lấy ý kiến tại một số hội thảo và các cuộc họp chuyên gia, Tổ soạn thảo, đặc biệt đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến tại các Sở Tài nguyên và Môi trường khu vực miền Trung -Tây Nguyên và khu vực Nam bộ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét