Nhân ngày Rừng Toàn cầu, xóm Sườn Đồi tổ chức Hội thảo Quốc tế với chủ đề “Những nguyên lí của thực tại – Cơ sở của Bảo tồn Thiên nhiên”. Ban tổ chức tập hợp được 10 tham luận về 10 nguyên lí cơ bản của Thực tại nhưng vì không có kinh phí in kỷ yếu nên các bản tham luận được gửi đăng dần vào mục Tản mạn Môi trường trên trang web vacne.org.vn. Tham luận số 1 của Thiền sư Đa Yên Tử có cái tên rất lạ: 1+1>2. Xin trân trọng giới thiệu cùng Quý Bạn đọc.
Dr. Cà Xáy, VACNE (Thư kí Hội thảo)
Kính thưa Quý vị
1.Lão nạp sống trong khuôn viên Trúc Lâm Thiền viện Yên Tử, là nơi vua Trần Nhân Tông tu hành trước khi lên núi Yên Tử. Tương truyền lão nạp sinh từ thời đó, đến nay đã trên 700 năm rồi. Có điều Quý vị không nên gọi lão nạp đơn giản là đa, vì trong gốc của lão nạp còn có một cây Lão Thị trước cả lão nạp. Khi cây Thị này đã xanh tốt, chim trời (có lẽ theo lệnh Đức Phật) đến thả một hạt đa lên cành, từ đó mọc ra lão nạp. Có người nói rằng sinh thời, Phật Hoàng Trần Nhân Tông vẫn ngồi tham Thiền dưới gốc lão nạp, và nhờ Cơ duyên Diệu hữu mà Ngài đã sáng tạo ra Thiền phái Trúc Lâm. Đến nay lão Thị trong lòng lão nạp vẫn xanh tốt, hàng năm vẫn đơm hoa kết trái. Tốt nhất nên gọi lão nạp là Đa – Thị hay Thị - Đa. Bởi lẽ không có Thị chẳng có Đa và không có Đa chắc gì đã còn Thị?
2.Nhưng vấn đề lão nạp muốn tham luận ở đây là: cái tổ hợp Đa – Thị này lại nói lên một điều khác hơn chỉ là sự sống chung đơn thuần.
Vâng thưa Quý vị, khi đến chiêm ngắm lão nạp, một nhà khoa học gọi lão nạp là cây đa “bóp cổ”, ý nói lão nạp mọc đè và bóp cổ chết cây thị như rất nhiều cây đa khác. Khoa học gia này còn giải thích cho đám học trò những vấn đề về cây kí sinh (cây đa) và vật chủ (cây thị), về nguyên tắc cạnh tranh sinh tồn,…
Một nhóm nhà cảm xạ lại cho rằng mảnh đất lão nạp mọc là nơi tập trung năng lượng vũ trụ, là mảnh đất có lợi cho sức khỏe và tu tập nên có hai lão thụ mọc tranh ăn với nhau mà vẫn sống nhăn răng (ý nói là nhăn …lá), lại còn to lớn kềnh càng nữa ! Họ còn khuyên ai muốn tu thiền hay muốn khỏe mạnh thì cứ tọa thiền dưới gốc lão nạp (?).
Một hướng dẫn viên du lịch giới thiệu với du khách rằng đây là Song Đại thụ hiếm có của vùng Thánh địa Yên tử, là sự phản ánh “truyền thống đoàn kết tương thân tương ái của các loài cây cũng như con người Việt Nam” (lão nạp ghi nguyên văn câu thuyết minh của vị hướng dẫn viên nọ, mong quý vị thông cảm là không ít hướng dẫn viên du lịch nói rất hay những điều họ không mấy khi hiểu là gì)
Một quan chức VACNE tuyên bố rằng sớm hay muộn cặp song lão thụ này cũng sẽ được VACNE ưu tiên vinh phong là cây di sản Việt Nam vì chỉ cần phong 1 lần mà được cả 2 cây, nếu mỗi cây mọc một nơi thì phải vinh danh hai lần, sẽ tốn kém lắm vì VACNE là tổ chức phi lợi nhuận, đâu có nhiều tiền (!) Vốn là một nhà sinh thái học, vị quan chức VACNE nọ còn quả quyết “Có lẽ 2 cây đa –thị này phải sống dựa vào nhau theo kiểu cộng sinh chăng, đa ăn chất này, thị ăn chất kia. Đa bảo vệ thị khỏi gió bão, thị chăm sóc đa bằng vẻ …dịu dàng của mình”. Lão nạp chẳng thể hiểu được nhà sinh thái học nọ nghiên cứu đến đâu về “vẻ dịu dàng” của cây thị. Nghe nói người Việt chuyên đặt tên phụ nữ là Thị này Thị nọ nên ông ta cho rằng lão Thị tất nhiên phải là phái nữ, tất nhiên phải dịu dàng (?) .
3. Còn lắm chuyện không thể kể hết được. Nhưng vấn đề là ở chỗ những chuyện ấy phản ảnh những tính chất, những chức năng, có thể lí giải hay chưa / không / lí giải được bằng khoa học hiện nay, chỉ có được khi lão nạp và lão thị chung sống cùng một gốc. Những tính chất xuất hiện do tương tác giữa các yếu tố cấu thành một hệ thống được các khoa học gia gọi là “tính trồi” nghĩa là hệ thống thì có các tính chất này nọ, nhưng từng yếu tố riêng lẻ của hệ thống đó lại không có. Cũng như cái đồng hồ có chức năng chỉ giờ, nhưng tất cả chi tiết tạo ra cái đồng hồ lại không hề có chức năng đó. Hay nước (H2O) có tính chất rất đa dạng của một chất quyết định sự sống trên trái đất, nhưng các nguyên tố Oxy (O2) và Hydro (H2) tạo ra phân tử nước lại không hề có tính chất của nước.
Lão nạp và lão Thị ngoài tính chất của đa và thị, còn có tính chất chung của một hệ thống, lão nạp gọi là “chúng mình”, mà Quý vị đã nghe tranh luận ở mục 2 trên đây. Hơn 700 năm chung sống cùng một chỗ như thể là cùng một gốc, lão nạp và lão Thị không bao giờ cãi nhau cả, vì lão nạp thắng thì chúng mình cùng thắng, lão nạp thua thì chúng mình cùng thua. Mong các cặp vợ chồng khi chung sống với nhau cần áp dụng nguyên lí “tính trồi” này để giữ yên gia thất. Nếu hai vợ chồng chia tay, cả hai vẫn sống nhăn răng nhưng gia đình (cái gọi là chúng mình) không còn, con cái sẽ bơ vơ.
4.Mở rộng những điều trên, một hệ thống không chỉ có 2 yếu tố như lão nạp và lão Thị, hay như nguyên tử Hydro và Oxy, mà có thể có rất nhiều yếu tố, rất đa dạng và phức tạp, ví dụ như một hệ sinh thái chẳng hạn. Mọi loài trong hệ sinh thái đều có vai trò, đều tương tác với nhau theo những cách thức mà con người chưa thể hiểu hết. Thêm một vài loài lạ theo kiểu các vị kiểm lâm phóng thích thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng động vật hoang dã vào rừng sau khi bắt được một vụ buôn lậu; bớt đi dăm bảy loài mà con người chặt phá hay săn bắt, đều tạo ra hệ thống mới có tính chất và chức năng mới, nhiều khi không giống như hệ thống ban đầu. Hệ thống mới có thể gây hại cho con người ngoài sự tính toán của họ. Vì tính trồi không phải bao giờ cũng có ích cho con người.
Vì vậy mọi tác động vào hệ sinh thái nguyên sơ ban đầu do ông Trời sinh ra, đối với con người, đều là sự đánh đổi vì riêng lợi ích của con người, hay tệ hại hơn, vì lợi ích của một nhóm người. Nếu như sự đánh đổi này là buộc phải làm vì lợi ích của cả cộng đồng thì còn có thể hiểu và chấp nhận được, vì cộng đồng sẵn sàng trả giá cho sự đánh đổi đó. Trên thế giới đã từng có hàng loạt nền văn minh bị hủy hoại chỉ vì lí do khủng hoảng sinh thái. Con người tự coi mình là trung tâm thế giới, muốn làm gì thì làm, vì “khoa học và công nghệ có thể giải quyết tất cả”. Nhưng danh vị đó là do họ tự phong chứ các loài khác đâu có phong cho họ !
Vì vậy lão nạp tạm gọi nguyên lí này là nguyên lí 1+1>2, hay còn gọi là “nguyên lí tính trồi”. Chúng ta vẫn hưởng thụ hay chịu tác động xấu từ tính trồi của các kiểu hệ thống (thực tại chỉ toàn là các hệ thống mà thôi) nhưng khi suy xét vấn đề lại thường chỉ chú ý vào các yếu tố cấu trúc riêng lẻ của hệ thống. Đó là cái chết của loài người đã được báo trước.
Xin cảm ơn Quý vị
Thiền sư Đa Yên Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét